Với đà phát triển mạnh về nhà máy ĐMT như hiện nay, thì Việt Nam được coi là “cường quốc” Đông Nam Á về năng lượng sạch do số lượng các nhà máy đồng loạt đưa vào sử dụng “nhiều chưa từng có trong lịch sử”.
“Hội chứng” và hệ quả tất yếu của phát triển nóng điện mặt trời
Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, do tranh thủ chính sách ưu đãi về thuế nên đến ngày 30/6/2019, các nhà đầu tư đã hoàn thành 82 dự án điện mặt trời (ĐMT) với tổng công suất 4.460 MW để hòa vào lưới điện quốc gia (chiếm 10% tổng sản lượng điện cả nước). Ngoài ra, hiện vẫn còn hơn 10 dự án đang tiếp tục triển khai và dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, với tổng công suất 630 MW. Trong số đó, đáng kể nhất là có nhà máy điện mặt trời Hanwha (công suất 100 - 120 MW) tại Thừa Thiên Huế; Nhà máy Tata Power (công suất 300 MW) tại Hà Tĩnh; Nhà máy GT & Associates và Mashall & Street LTd (công suất 150 MW) tại Quảng Nam… Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), thì hiện tại hai tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận có số lượng nhà máy ĐMT lớn nhất toàn quốc. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm đối phó với những thách thức về nhu cầu năng lượng đảm bảo cho nền kinh tế tăng tưởng bền vững.
Đến ngày 15/4/2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có trên 1.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 2.500.000 kWh
Với đà phát triển mạnh về nhà máy ĐMT như vậy, nên Việt Nam được coi là “cường quốc” Đông Nam Á về năng lượng sạch do số lượng các nhà máy đồng loạt đưa vào sử dụng “nhiều chưa từng có trong lịch sử”. Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động đó là tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển ĐMT với các lĩnh vực hạ tầng phụ trợ đã làm vỡ quy hoạch, ảnh hưởng trực tiếp (quá tải từ 260 – 360%) tại các tuyến đường dây 110 kV Tháp Chàm – Hậu Sanh – Tuy Phong – Phan Rí. Hậu quả kèm theo đó còn là việc một số nhà đầu tư phàn nàn về tình trạng thường xuyên nhận được văn bản thông báo đề nghị các nhà máy ĐMT thường xuyên phải cắt giảm từ 30 – 60% công suất. Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải lên tiếng tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ ngày 04/7 rằng, theo quy hoạch tới năm 2020, Ninh Thuận được duyệt 2.000 MW dự án năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT, nhưng thiết kế lưới truyền tải khu vực này chỉ chịu được tối đa công suất 800 - 1.000 MW. Tới cuối tháng 6/2019, tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh này được đấu nối là 1.300 MW, trong đó gần 1.090 MW là ĐMT. Vì vậy, nếu không có các giải pháp căn cơ thì sẽ làm khó cho các nhà đầu tư. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, sở dĩ có những bất cập trên là do các dự án ĐMT thời gian triển khai chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi đó, thực hiện một dự án lưới điện 110 kV, 220 kV và 500 kV phải mất từ 3 – 5 năm, nên phát triển lưới điện không theo kịp đầu tư các dự án ĐMT.
Hãy cảnh giác nguy hại từ tấm pin năng lượng mặt trời
Trước nguy cơ thiếu điện trong những năm tới do các nguồn năng lượng hóa thạch, tài nguyên nước hiện ngày càng cạn kiệt, hoặc bởi những lý do khác như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thì người ta hay đề cập đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các tấm năng lượng mặt trời sử dụng kim loại nặng, bao gồm chì, crom (Chromium) và cadimi (Cadmium) là những thứ rất có nguy cơ gây hại tới môi trường. Những rủi ro của chất thải hạt nhân là không phải bàn cãi và hoàn toàn có thể được chuẩn bị trước, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm thiểu những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Các nhà khoa học đã phân tích, các dung dịch axit HF để tẩy rửa bề mặt tấm pin năng lượng mặt trời là một chất độc khi tiếp xúc với người không mang trang bị bảo hộ, nó có thể phá hủy các mô và làm giảm canxi trong xương. Đặc biệt, nguyên liệu để chế tạo pin năng lượng mặt trời là thạch anh (silica SiO2 silicon), thạch anh được nhiệt luyện để tinh chế thành silicon nguyên chất (bước phát thải ra lượng khí CO2 và SO2), sau đó được tinh luyện tiếp với hóa chất, nhằm tạo ra những khối silicon đa tinh thể và hợp chất thải SiC14 vô cùng độc hại. Nếu thải ra môi trường sẽ gây nguy cơ oxy hóa đất đai, nguồn nước.
Hiện nay, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 518 dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời
Theo Giáo sư, tiến sĩ vật lý hạt nhân Jeff Terry – chuyên gia nghiên cứu năng lượng tại Viện Công nghệ Illinois, thì chất thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời còn nan giải hơn cả chất thải hạt nhân, bởi các lưới điện cần một lượng lớn hơn các tấm năng lượng để sản xuất ra cùng một lượng điện với một lò phản ứng hạt nhân. Các tấm năng lượng mặt trời đều sử dụng các chất liệu nguy hiểm như axít sunphua (sulfuric acid) và khí phosphine độc hại trong quy trình sản xuất. Để tái sử dụng được các chất liệu này là cực kỳ khó khăn và các tấm năng lượng thường có vòng đời sử dụng rất ngắn. Các tấm năng lượng mặt trời không thể lưu trữ lâu tại các bãi phân loại rác vì nó có nguy cơ rủi ro gây ô nhiễm toàn bộ khu vực, trong khi việc tháo dỡ các tấm năng lượng ra để tái chế là một quy trình hết sức vất vả và nhìn chung không có lợi nhuận. Hiện nay các nhà khoa học vẫn còn lúng túng chưa biết cách ứng phó với chất thải năng lượng mặt trời và chưa có một ai có một kế hoạch thực sự nào để giải quyết được những tấm năng lượng mặt trời này sau khi chúng đã rời khỏi những ngôi nhà.
Tóm lại, phát triển “nóng” thường sẽ kèm theo nhiều hệ lụy, mà điện mặt trời cũng không là ngoại lệ. Hệ lụy trước mắt là lưới điện đã và đang quá tải chưa thể giải quyết một sớm một chiều, còn lâu dài đó là vấn đề xử lý chất thải, về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.
Theo congnghieptieudung.vn