“Cơn bão” giá điện ở Việt Nam và bài học về thị trường điện ở nước ngoài
logo
5 stars - based on 1 reviews

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi cả nước hân hoan, tưng bừng kỷ niệm những sự kiện quan trọng của đất nước, thì ngành Điện lực được phen lao đao sau khi triển khai tăng giá điện.

 

 

 

Sửa chữa điện phục vụ mùa nắng nóng trên địa bàn Hà Nội

 

Đã có rất nhiều người dùng điện, mà tập trung chủ yếu là người dân ở các địa phương lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực sự bức xúc vì hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng. Một số báo lên tiếng phản ánh và ngay lập tức các trang mạng xã hội đã không bỏ qua. Mở điện thoại, máy tính… thấy ở đâu cũng bình luận xung quanh việc tăng giá điện. Người ủng hộ cũng có, nhưng người kêu ca, phàn nàn thì nhiều, thậm chí còn làm thơ, vẽ tranh phê phán, đả kích ngành Điện và cả các cơ quan nhà nước. Chưa biết đúng sai, nhưng cứ phàm cái gì liên quan đến túi tiền của người tiêu dùng thì nhất quyết họ phản ứng và phải tự bảo vệ. Chỉ đến khi tại phiên họp của Chính phủ hồi đầu tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đánh giá tác động của việc tăng giá điện đối với đời sống, kinh tế xã hội thì dư luận mới dịu bớt. Có thể nói không ngoa, sau sự cố này ngành Điện bị choáng nặng.

 

Khi mọi việc tạm lắng, bình tĩnh để suy ngẫm lại thì có thể thấy, việc tăng giá điện đã có chủ trương và rục rịch từ lâu, cũng đã được các cấp có thẩm quyền từ Bộ, ngành, đến Trung ương phê duyệt và nằm trong lộ trình thực hiện các bước tiến tới thị trường điện hoàn hảo, chứ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cho kẹo cũng chả dám tự ý tăng. Cái lộ trình ấy gồm: Thị trường phát điện cạnh tranh; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

 

Điều đáng tiếc, khi EVN tăng giá điện vào đúng đợt nắng nóng, lại rơi vào thời điểm giá mặt hàng xăng dầu cũng lên đỉnh điểm, thậm chí còn tăng chóng mặt sau nhiều lần có lên, có xuống; rồi lại cùng lúc, các dịch vụ y tế cũng tăng đến hàng chục phần trăm, kéo theo giá cả thực phẩm trên thị trường đồng loạt tăng cao. Oái oăm một nỗi là khi xăng dầu tăng cao, người dân biết, cũng xót lắm, nhưng họ chỉ móc hầu bao từ từ, vì người đi xe máy thì mỗi lần dăm ba chục thôi, mấy ông ô tô thì “đại gia” rồi, “muỗi”; còn dịch vụ y tế tăng, có phải ai cũng vào viện đâu, chỉ những người mắc bệnh mới vào nằm viện và cực chẳng đã phải cứu người, bao nhiêu cũng phải cố. Thế nên tốn thì tốn, ít người kêu, còn tiền điện cứ đến kỳ mới thu một cục, thấy tiền điện tăng cao là đương nhiên người tiêu dùng kêu trời. Có người phản ứng đúng, nhưng cũng có người té nước theo mưa, kiểu đánh hội đồng, bất chấp đúng sai. Họ quy kết, chửi bới, ôn hòa hơn là kêu gọi Nhà nước nhanh nhanh tư nhân hóa thị trường điện để cho ngành Điện không còn “độc quyền”. Cái việc giá điện tăng thì ngành Điện đã công khai rồi, còn tiền điện của mỗi hộ tiêu dùng tăng có rất nhiều lý do: Từ thời tiết quá nắng nóng, rồi nhu cầu dùng điện của từng hộ tăng cao, thời gian chốt chỉ số công tơ cũng nhiều hơn so với tháng trước, trong đó đa số người dân chưa thỏa mãn với cách áp dụng lũy tiến biểu giá điện bậc thang vì số lượng người dùng điện bậc thấp hiện đã giảm đáng kể.

 

 

 

Chốt chỉ số công tơ trên địa bàn Hà Nội

 

Nguyên nhân tiền điện tăng như vậy là đã rõ. Không phải do giá điện, cũng không tại ngành Điện ghi sai sản lượng điện cho mỗi hộ tiêu dùng vì bên mua, bên bán giờ cũng rất minh bạch, người dân có nhiều cách để kiểm tra, giám sát ngành Điện. Còn lũy tiến bậc thang đang được các cơ quan chức năng kiểm tra và theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thì sắp tới, có thể sẽ sửa lại biểu giá điện cho phù hợp với tình hình hiện tại, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.   

 

Trở lại ý kiến đâu đó kêu gọi phải tư nhân hóa thị trường bán điện. Chắc chắn rồi và nếu không có gì thay đổi thì từ năm 2023 thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ chính thức vận hành. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng kỳ vọng giá điện lúc đó sẽ sáng sủa hơn hiện nay, bởi theo phát biểu của TS. Nguyễn Tuệ Anh, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy ngành Chính sách công tại ĐH Oxford, Vương quốc Anh với báo chí cách đây không lâu, thì “Mở cửa thị trường điện lực không tạo ra kết quả về giá sản phẩm như nhiều người mong muốn. Thị trường điện Việt Nam đang ngày càng mở cửa. Chính sách này đã có từ hơn 20 năm trước, nhưng phải từ khoảng năm 2009 đến nay, thị trường mới có sự chuyển biến lớn. Dù vậy, lĩnh vực này vẫn chưa xuất hiện một đơn vị cạnh tranh nào, kể cả nước Anh cũng không có cạnh tranh trong thị trường điện lực". TS. Nguyễn Tuệ Anh cho biết: Năm 1989, nước Anh đã mở cửa thị trường và bán các công ty điện cho tư nhân. Thời điểm đó, nhiều quan chức tin rằng tư nhân sẽ làm tốt hơn nhà nước trong lĩnh vực này. Do vậy, không chỉ nhà máy được bán, ngay cả đường truyền tải, Chính phủ Anh cũng "sang tay" cho tư nhân. Quyết định ban đầu được đánh giá là tốt và có 90 quốc gia trên thế giới sử dụng mô hình này.

 

Tuy nhiên, về sau, việc mở cửa thị trường điện nhìn chung không có gì tiến bộ đối với những nước phát triển. Không một quốc gia nào nhìn thấy giá điện đi xuống. Giá điện chỉ giảm xuống ở thời gian đầu, sau đó tăng đều và người tiêu dùng phải chịu giá điện tăng 11% hàng năm. Sau khi mở cửa thị trường điện, 6 công ty nước Anh bắt tay với nhau, không có bất kỳ sự cạnh tranh giữa các công ty điện vì không có lợi, do đó, hàng năm Chính phủ phải cho tăng trần là 12% và họ tăng trong mức từ 11-12%. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Anh mà còn diễn ra tại Mỹ - Latin và các nước khác. Nghiên cứu ở châu Âu cho thấy, người dân các nước này không quan tâm đến thị trường điện có mở cửa hay không, điều quan trọng, họ chỉ cảm nhận dịch vụ điện thấp hơn trước đây. 

 

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sự việc có thể khác đi đôi chút nhằm thu hút đầu tư, tăng sản lượng điện phục vụ cho sản xuất, tuy nhiên, giá điện sẽ luôn luôn cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, người dân sẽ phải chịu giá điện cao cũng như không hi vọng vào một sự cạnh tranh. Ví dụ, có thời điểm người dân Đức đã phải trả một mức giá chóng mặt khi trong một tháng, giá điện tăng tới 500%. Còn 90 quốc gia khác đã chứng minh điều này và Việt Nam sẽ khó lòng là ngoại lệ. Việt Nam đang sử dụng mô hình mở cửa từ từ, khác với các nước như Anh, Chile lập tức bán cho tư nhân. Dù vậy, việc cạnh tranh trong thị trường này là rất khó. Điều này đúng với những ngành có sự kết nối, như là cung cấp nước mà thôi. Chính phủ Anh đã nhiều lần muốn mua lại đường truyền tải điện từ tay một vị tỷ phú (người này nắm giữ 60% giá trị đường truyền tải) nhưng không thực hiện được. Việc bán cho tư nhân là điều không thể vãn hồi. Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho Việt Nam, bởi sự mở của thị trường điện trong nước đã đi được một nửa. Như vậy, Việt Nam sẽ chọn cách thức nào cho thị trường của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về điện đang lên cao, thậm chí, phải nhập khẩu từ các nước lân cận.

 

Từ sau “cơn bão” giá điện tăng, chắc chắn, các cơ quan Nhà nước, ngành Điện sẽ có thêm bài học kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đến công tác tuyên truyền, cách thức triển khai, thời điểm thực hiện và phương pháp ứng xử truyền thông khi có sự cố. Điều quan trọng là từ bài viết này, người tiêu dùng cũng sẽ có thêm một kênh thông tin về tính tất yếu của mở cửa thị trường nói chung và thị trường điện nói riêng, để chuẩn bị cho mình một tâm lý, đón nhận những cái được và mất khi mốc thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ bắt đầu trong vài năm tới.

 

Theo Nguyễn Đừng/congnghieptieudung.vn

Bài viết liên quan