Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những tuyến phố đầy “mạng nhện”, gây không ít bức xúc cho người dân, thì hiện 99% tuyến phố chính của TP Hạ Long đã được ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Với kết quả này, TP Hạ Long trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về công tác chỉnh trang đô thị.
Ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông đã mang lại cho TP Hạ Long một diện mạo mới. (Trong ảnh: Khu đô thị mới Hùng Thắng, TP Hạ Long)
Với quyết tâm xóa bỏ hình ảnh nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, từ năm 2017 đến nay, TP Hạ Long đã thực hiện một loạt các giải pháp theo hướng đồng bộ và quyết liệt, kiên quyết không để các dự án chậm tiến độ. Ông Nghiêm Thanh Tuấn, cán bộ kỹ thuật, BQL Dự án công trình TP Hạ Long, chia sẻ: Trong quá trình triển khai ngầm hóa lưới điện trên địa bàn, đơn vị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là cần có sự phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan để cùng tháo gỡ các vướng mắc và thống nhất cách thực hiện. Hằng năm, ngay khi có danh mục đầu tư các dự án liên quan đến công tác chỉnh trang đô thị, thành phố đều gửi văn bản để các đơn vị ngành Điện và Viễn thông chủ động nắm được kế hoạch và lộ trình để phối hợp triển khai. Trước thi thực hiện dự án, thành phố mời các đơn vị liên quan cùng đi kiểm đếm, thống nhất về quy mô đầu tư để có phương án đền bù.Năm 2017 trở về trước, hình ảnh những cây cột điện nằm dọc các tuyến phố chính của TP Hạ Long phải "oằn mình" cõng một lượng lớn cáp viễn thông đã quá quen thuộc với người dân và du khách. Thậm chí, khi cột điện không còn đủ chỗ để treo cáp, các doanh nghiệp viễn thông đã “phát minh” ra nhiều cách như: Vắt cáp trên cành cây, trên mái nhà dân hoặc dựng những cột sắt thấp lè tè ngay trên vỉa hè để treo cáp. Chính việc cáp viễn thông cũ và mới chằng chịt lẫn vào các dây cáp điện, tủ điện, công tơ điện, dẫn đến hàng chục vụ cháy nổ đã xảy ra tại các cột điện và trạm biến áp.
Các tuyến phố chính của TP Hạ Long đã sạch "mạng nhện" trên không
Sự vào cuộc tích cực của TP Hạ Long trong việc hỗ trợ kinh phí là một giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ ngầm. Theo tính toán, việc xây dựng cống, bể kỹ thuật, hào, hố ga dùng chung… để bố trí lắp đặt hạ ngầm đồng bộ các đường dây và đường ống kỹ thuật có thể lên tới 12-15 tỷ đồng/km. Vì vậy, sau khi nắm được khó khăn của các đơn vị liên quan đến nguồn vốn đầu tư, TP Hạ Long đã hỗ trợ mặt bằng, rãnh kỹ thuật để các đơn vị đặt đường ống kỹ thuật ngầm dưới vỉa hè. Với những hạng mục này, các đơn vị đã giảm được khoảng 30% kinh phí đầu tư. Quan trọng hơn cả là việc hạ ngầm được thực hiện một cách thống nhất đồng bộ, không bị dàn trải, tự phát như trước nên đã nhận được nhiều sự đồng thuận của người dân.
Khu vực cổng Trường THPT Hòn Gai hiện đã không còn dây điện, viễn thông đi nổi, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân và các em học sinh như những năm trước.
Ông Trần Lê Sinh, Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông (Sở TT&TT), khẳng định: Một trong những yếu tố tiên quyết làm nên thành công của công tác hạ ngầm ở Hạ Long là sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan. Điều này đã giúp giảm thiểu chi phí và thời gian xây dựng, nhanh chóng mang lại vẻ khang trang cho các tuyến phố. Hạ Long xứng đáng là một điểm sáng của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông.Sau gần 3 năm, gần 2.200km đường dây điện và cáp viễn thông các loại đi nổi trên địa bàn TP Hạ Long đã được ngầm hóa. Hạ Long đang tích cực triển khai các bước chuẩn bị đầu tư hạ ngầm cho 2 tuyến phố cuối cùng là tuyến đường Lê Lợi (phường Yết Kiêu) và tuyến đường Tiêu Giao (phường Hà Khẩu) với tổng chiều dài khoảng 2km. Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước quý II/2020.
Theo Báo Quảng Ninh