Thực hiện những lời căn dặn giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ, 65 năm qua, tập thể CBCNV ngành Điện đã tận tâm tận lực, gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng đất nước cả trong chiến tranh, cũng như trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Có thể khẳng định, những đóng góp của ngành Điện có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước.
Lịch sử ngành Điện gắn liền với các phong trào giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Từ trước Cách mạng tháng Tám, với tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật cao, những người thợ điện đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Ngày 21/12/1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: “Nhà máy bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa…”.
Ngày 21 tháng 12 hàng năm đã trở thành ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống chính là dịp để CBCNV ngành Điện ôn lại lời căn dặn của Bác, điểm lại những mốc son trong lịch sử phát triển của ngành, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và tri ân tới những thế hệ làm điện đi trước, tới những cán bộ lão thành, những người đã cống hiến tâm huyết, sức lực và cả máu xương cho sự lớn mạnh của ngành Điện hôm nay.
Truyền thống chiến đấu anh dũng, lao động sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và công nhân lao động ngành Điện đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất
Những năm qua, hệ thống nguồn và lưới điện liên tục được mở rộng theo quy hoạch phát triển điện lực các giai đoạn. Theo đó, hàng loạt những công trình thuỷ điện, nhiệt điện, đường dây truyền tải đã được xây dựng, vận hành.
Từ chỗ chỉ có 5 nhà máy nhiệt điện công suất nhỏ, với tổng công suất nguồn 31,5MW (năm 1954), tính đến tháng 6 năm 2019, tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống đã đạt gần 53.326MW (gấp hàng nghìn lần so năm 1954), đứng thứ 23 trên thế giới về quy mô hệ thống điện. Không chỉ đưa điện lưới quốc gia đến các vùng sâu vùng xa,… ngành Điện tự hào đã quản lý và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo; tỷ lệ số hộ dân có điện trong cả nước đạt 99,47%, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt cung cấp điện mà còn đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân cũng như góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị về quốc phòng - an ninh. Kết quả ấy không phải quốc gia trên thế giới cũng đạt được và Ngân hàng Thế giới đánh giá là đó một kỳ tích của ngành Điện Việt Nam.
Sự nỗ lực của tập thể CBCNV ngành Điện đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đi những khoảng tối, nghèo nàn, lạc hậu; thắp sáng niềm tin và hiện thực hóa giấc mơ của người dân nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa. Với những thành tích xuất sắc góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019, vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nhà máy Thủy điện Sơn La.
65 năm qua là chặng đường đầy gian nan, nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng rất đỗi tự hào của ngành Điện lực Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn thử thách do nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng, trong khi thời tiết bất lợi với khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước tại các hồ thủy điện, thiên tai, bão lũ bất thường, thiếu than, thiếu khí đốt, giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất điện tăng cao, thu xếp vốn khó khăn,… song tập thể CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vươn đến những đỉnh cao mới.
Với quá trình hình thành và phát triển 65 năm qua, hiện nay ngành Điện Việt Nam đã kịp thời tiếp cận với trình độ tiên tiến thế giới cả về khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Điển hình như tiếp nhận công nghệ tuabin khí là công nghệ phát điện tiên tiến, xây dựng đường dây và các trạm 500kV, là tiền đề áp dụng KHCN mới vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh, công tác điều độ hệ thống điện cũng được hiện đại hóa, trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu. Đến nay nhiều trạm biến áp ở lưới điện truyền tải và phân phối đã được tự động hoá, điều khiển và thao tác từ xa.
Lắp đặt điện mặt trời cho đảo Trường Sa.
Kết quả thực hiện giảm tổn thất điện năng ở Việt Nam cũng là điểm sáng hết sức đáng chú ý. Với một quốc gia có địa hình dài và hẹp, tỷ lệ tổn thất điện năng là 6,7% như hiện nay có thể khách quan nhận định kết quả này của Việt Nam đã đạt mức tiên tiến của thế giới, thậm chí còn tốt hơn nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam. Điều này thể hiện sự nỗ lực liên tục lâu dài với mục tiêu đem lại hiệu quả ngày càng càng cao sản xuất cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên.
Những năm gần đây, EVN đã được Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là 1 trong các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực ASEAN, trong đó riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Đến nay, 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN có thể thực hiện đăng ký trực tuyến, tương đương với dịch vụ công mức độ 4. Trong tháng 12 vừa qua, EVN cũng đã công bố cung cấp Hợp đồng điện tử, đây là hành động thiết thực mang đến cho khách hàng dịch vụ ngày càng thuận tiện, và đây cũng là hành động thiết thực của ngành Điện nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống.
Kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh, lãnh đạo và cán bộ nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, quyết tâm xây dựng EVN thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và chuyên nghiệp, thân thiện với khách hàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, giữ trọn niềm tin với Đảng, Chính phủ và nhân dân./.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam