Hiệu quả bước đầu từ chương trình điều chỉnh phụ tải điện
logo
5 stars - based on 1 reviews

Tính đến hết tháng 6/2019, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã ký thỏa thuận với trên 1.100 khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với khả năng điều chỉnh ước đạt 367,91MW. 

 

 
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình DR.Ảnh/EVNNPC.

 

Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) được triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia khi có yêu cầu, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.

Gắn trách nhiệm với lợi ích của doanh nghiệp

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) cho biết EVN đang tập trung triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tới khoảng 5.000 khách hàng là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chủ yếu ở phụ tải công nghiệp - xây dựng. Đến nay, khoảng 50% khách hàng mục tiêu đã ký kết thỏa thuận tham gia DR phi thương mại.

Về phía Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) để triển khai chương trình này, Tổng Công ty đã đẩy mạnh công tác truyền thông với việc tổ chức một loạt Hội thảo "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Trách nhiệm và Lợi ích của doanh nghiệp" tại nhiều địa phương như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền, vận động khách hàng tự nguyện tham gia DR phi thương mại.

Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) là một trong những đơn vị trực thuộc EVNNPC có sản lượng điện thương phẩm lớn và tốc độ tăng trưởng phụ tải cao. Đây cũng là đơn vị  triển khai hiệu quả chương trình điều chỉnh phụ tải theo sự chỉ đạo của EVNNPC, EVN và Bộ Công Thương

Báo cáo của PC Bắc Ninh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Công ty đạt 3.185,3 triệu kWh, tăng 6,09 % so cùng kỳ. Trong đó, điện dùng trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 81,76 %, tăng trưởng 5,42 % so cùng kỳ. Các lĩnh vực khác như nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng cũng tăng trưởng trên 17%.

Nếu như năm 2018, công suất đỉnh (Pmax) của toàn PC Bắc Ninh đạt ngưỡng 1.108 MW (ngày 4/7/2018) thì Pmax 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 1.131 MW, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

PC Bắc Ninh đã lựa chọn và mời 586 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ  1- 3 triệu kWh/năm tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại. Trong đó, số khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ dưới 3 triệu kWh là 380 khách hàng với tiềm năng điều tiết dự kiến giảm khoảng 967 MW; số khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ trên 3 triệu kWh/năm là 206 với tổng tiềm năng điều tiết phụ tải khoảng 6.953 MW.

Đến nay, PC Bắc Ninh đã liên hệ làm việc với 100% khách hàng và ký kết thoả thuận thực hiện chương trình DR với 34 khách hàng.

Với cách tiếp cận của khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện, ông Lê Minh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty Ximăng Chinfon (TP Hải Phòng) cho rằng: Điện là yếu tố đầu vào quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất cũng như hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường vì vậy Chinfon luôn ý thức và triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Đề cập đến việc tham gia triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải, ông Hiếu cho rằng doanh nghiệp cần chia sẻ với nhà nước và ngành điện. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện.

Dẫn ra ví dụ cụ thể, ông Hiếu phân tích, hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, sản phẩm và thị trường khác nhau nên chu trình hoạt động sản xuất khác nhau do đó nhu cầu sử dụng điện cũng khác nhau ở từng thời điểm. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện cần xây dựng chương trình điều chỉnh phụ tải theo mùa, hoặc từng giai đoạn.

“Trên cơ sở thống kê, tính toán nhu cầu sử dụng điện của từng doanh nghiệp theo khối sản xuất ở từng thời điểm, cơ quan quản lý nhà nước, ngành điện cần xây dựng chương trình phần mềm quản lý thông minh để tự động điều tiết chỗ thừa chỗ thiếu cho hiệu quả”, đại diện Xi măng Chinfon kiến nghị.

Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và chế tài đủ mạnh

Vừa qua EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế tài chính thương mại, khuyến khích thực hiện DR; sớm ban hành hướng dẫn để các tổ chức trung gian tham gia vào thị trường DR. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế hỗ trợ tư vấn cơ chế, trao đổi kỹ về thuật và kinh nghiệm triển khai DR tại Việt Nam.

Về phía ngành điện, trong cuộc họp rà soát triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải để khuyến khích khách hàng tham gia chương trình này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh: trong năm 2019, chương trình DR cần được đẩy mạnh triển khai tới đông đảo khách hàng tiềm năng, vận động sự ủng hộ, đồng thuận của các khách hàng, tạo tiền đề để triển khai các chương trình dài hạn theo Chiến lược Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo EVN yêu cầu các Tổng công ty Điện lực trực thuộc sớm hoàn thành việc xây dựng các chương trình chăm sóc đặc biệt, nâng cao chất lượng điện năng cung ứng cho các khách hàng tham gia chương trình DR phi thương mại.

Đề nghị Ban Kinh doanh của Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế tài chính trong các chương trình DR thương mại, mang đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.

Tìm hiểu thêm về những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia DR tại EVNNPC chúng tôi được biết: EVNNPC cam kết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện với việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cụ thể là: đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện.

Cùng với đó, EVNNPC sẽ tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp tham gia chương trình này; miễn phí vệ sinh định kỳ trạm biến áp khách hàng; hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng; chăm sóc khách hàng...

Trên góc độ quản lý Nhà nước, ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương thành phố Hải Phòng đề xuất: “Để chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách trong việc xây dựng định mức tiêu hao năng lượng đối với một số ngành công nghiệp, từ đó có chế tài xử lý đối với các đơn vị không chấp hành, vi phạm quy định”.

Ông Hải cũng kiến nghị Bộ Công Thương có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có giải pháp triển khai đầu tư xây dựng các công trình đường dây, trạm biến áp đảm bảo đúng tiến độ như Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 đã được Bộ phê duyệt.             

 

Theo Báo chính phủ